Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn chịu sức ép của doanh số bán hàng trên thị trường mà quên đi mất những điều đầu tiên để tạo cho doanh nghiệp một nền móng vững chắn. Đó là xây dựng một thương hiệu mạnh.
Trong đó, điều đầu tiên cần làm là đặt tên thương hiệu. Một cái tên tốt là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ, tự động cho thương hiệu. Do vậy khi bạn cảm thấy rằng đặt tên là một cơ hội để tạo nên sức mạnh cho thương hiệu mới của mình, hãy nhờ đến một nhà tư vấn chuyên nghiệp để giúp bạn thực hiện đặt tên thương hiệu.
1. Thương hiệu và tên thương hiệu
Nhiều người trong chúng ta có thể dễ bị nhầm lẫn giữa thương hiệu và tên thương hiệu, ngay cả những người làm marketing chuyên nghiệp đôi khi cũng khó phân biệt điều này. Khi chúng ta nhắc đến “Coca-cola” chúng ta nghĩ rằng cái tên đó chính là thương hiệu Coca-cola. Vậy giữa thương hiệu và cái tên có sự phân biệt như thế nào?
- Một cách ngắn gọn, thương hiệu là tập hợp những trải nghiệm và mong muốn gắn với một sản phẩm, một doanh nghiệp hay một tổ chức trong tâm trí của khách hàng. Như vậy khái niệm này cho thấy thương hiệu không phải là một thứ hữu hình mà nó nằm trong tâm trí khách hàng, nó gắn bó với những trải nghiệm, cảm xúc … những thứ giúp người ta liên tưởng đến một sản phẩm hay tổ chức.
- Còn tên thương hiệu thì sao? Rất đơn giản nó chính là … một cái tên. Tức là được cấu tạo bởi các ký tự, cách phát âm, cách viết … Tên thương hiệu, cùng với logo, slogan, nhận diện thương hiệu là những thành phần cơ bản giúp khách hàng tạo được liên tưởng về thương hiệu. Tên thương hiệu là một cầu nối giữa thương hiệu và tâm trí khách hàng.
Để hình dung rõ điều này, chúng ta sẽ lấy Apple làm một ví dụ. Khi nhắc đến thương hiệu Apple chúng ta nghĩ đến điều gì? Có phải đó là Ipod, Iphone, Ipad, Mac hay Macbook … những sản phẩm công nghệ hoàn hảo và luôn dẫn đầu xu thế thời trang? Một số khác có lẽ nghĩ đến Steve Job – CEO đầy sáng tạo, thông minh nhưng là người cứng rắn và cầu toàn. Tất cả những hình dung đó của chúng ta giúp tạo nên thương hiệu Apple.
Thế còn cái tên thì sao. Rất đơn giản nó chính là Apple (quả táo) – một từ có 5 ký tự và 2 âm tiết.
Xem thêm: 7 cách đặt tên công ty phổ biến nhất
Đặt tên thương hiệu: 27 tài liệu hay nhất giúp doanh nghiệp đặt tên hiệu quả
Tuyệt chiêu đặt tên công ty hợp phong thủy để kinh doanh thuận lợi
2. Tên công ty và tên thương hiệu
Chúng ta biết rằng có một Công ty Apple (Apple Inc.) và thương hiệu Apple. Có gì khác biệt giữa tên một công ty với tên thương hiệu?
Thực tế, có thể tóm tắt như sau: tên công ty dùng cho hoạt động kinh doanh, còn tên thương hiệu dành cho người tiêu dùng.
Như vậy một số công ty sẽ sử dụng tên công ty trùng với tên thương hiệu để tạo nên thương hiệu doanh nghiệp hoặc thậm chí là một phần của thương hiệu sản phẩm. Ví dụ Apple sử dụng tên công ty làm tên thương hiệu và cũng là một phần trong tên sản phẩm: Apple Ipod, Apple Iphone, Apple Ipad … Còn Honda sử dụng tên thương hiệu một như thương hiệu doanh nghiệp, một phần của thương hiệu sản phẩm như Honda Future, Honda Civic hay sử dụng các thương hiệu độc lập như Acura …
Để hiểu thêm về việc này hãy đọc thêm các thông tin dưới đây để hiểu hơn về cách đặt tên thương hiệu.
3. Vai trò của việc đặt tên thương hiệu
Theo Brandvietnam đưa tin, tên thương hiệu là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ, tự động cho thương hiệu.
Một cái tên có thể đảm nhận vô vàn chức năng khác nhau nhưng bạn có thể thấy những chức năng sau là phổ biến:
- Phân biệt với đối thủ cạnh tranh
- Nói với thế giới rằng bạn là khác biệt
- Tái khẳng định về định vị thương hiệu
- Tạo động lực tích cực với khách hàng
- Để lại ấn tượng lâu dài trong khách hàng
- Tạo nguồn năng lượng dồi dào cho các hoạt động marketing
- Tạo ra một thương hiệu vượt trên sản phẩm hay dịch vụ thực tế
- Chỉ ra bạn thuộc một ngành hàng nào đó
Những chức năng quan trọng trên là lý do tại sao chúng ta đều muốn sở hữu một tên thương hiệu hấp dẫn và cách đặt tên thương hiệu sao cho chuẩn cũng vô cùng quan trọng.
Xem thêm: 12 mẹo giúp bạn đặt tên thương hiệu “không giống ai”
Cần có chiến lược khi đổi tên thương hiệu
Đặt tên thương hiệu công ty bằng tiếng anh – Những lưu ý cần phải biết
4. Những nguyên tắc trong việc đặt tên thương hiệu
Đặt tên thương hiệu là bước quan trọng để cài thương hiệu của bạn vào trong tâm trí khách hàng. Một khi thương hiệu củng cố được vị trí đó, bạn sẽ thụ hưởng những thành quả về lâu dài mà không cần một nỗ lực marketing nào. Tuy nhiên để đặt tên thương hiệu hay không phải dễ dàng. Những quy tắc dưới đây sẽ giúp bạn tìm lời giải cho bài toán đặt tên thương hiệu.
Ngắn gọn
Nếu bạn muốn khách hàng nhớ được tên thương hiệu của mình thì nó phải ngắn gọn. Đúng vậy, dễ nhớ có nghĩa là phải ngắn gọn. Nếu bạn có một cái tên như công ty kiểm toán của Anh PriceWaterHouseCoopers thì hãy xem lại nhé.
Dễ đọc
Hãy đảm bảo rằng tên của bạn phải dễ đọc. Dù rằng một số thương hiệu nổi tiếng là những cái tên nước ngoài nhưng chúng ta vẫn đọc được nó một cách dễ dàng : Coca-cola, Pepsi, Apple, Sony, Samsung, Omo, Viso … Nếu một cái tên khó đọc, đồng nghĩa với việc chúng ta đang dựng hàng rào ngăn cản khách hàng lựa chọn thương hiệu. Hãy tưởng tượng tôi và bạn sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để nhớ thương hiệu mỹ phẩm Schwarzkopf. Mặc dù biết đến nó, nhưng tôi chẳng bao giờ mua sản phẩm của hãng, vì đặt tên thương hiệu này quá khó đọc.
Độc đáo
Một thương hiệu muốn được nhớ đến thì phải độc đáo. Nếu đặt tên thương hiệu chỉ bình thường đại loại như « Vina + gì đó», « Thời trang Việt », « Mỹ phẩm Việt »,« Trang sức Việt » … thì nó sẽ nhanh chóng chìm vào hàng chục thương hiệu tương tự. Hãy chọn cho mình một cái tên khác biệt, độc đáo. Chẳng hạn, khi ngành kinh doanh máy tính đặt những cái tên rất chuyên nghiệp, trịnh trọng như IBM, DEC … thì một cái tên Apple nghe chả có gì liên quan. Nhưng chính sự không liên quan đó làm cho Apple trở nên độc đáo và thành công.
Ngôn ngữ phù hợp
Bạn định chọn tên bằng tiếng Việt hay tiếng Anh ? Hay một ngôn ngữ nào khác ? Hãy nhớ rằng điều đó phụ thuộc vào bạn đang kinh doanh sản phẩm gì ? Nó dành cho ai? Nếu bạn định kinh doanh một spa cao cấp bạn có thể chọn tên là Venus Spa. Vì tên tiếng Anh này phù hợp với đối tượng khách hàng của bạn. Còn nếu bạn kinh doanh một nhà hàng dành cho mọi đối tượng thực khách thì « Quán ăn ngon » sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn so với « All Smiles Restaurant ».
Liên quan đến sản phẩm / dịch vụ
Đặt tên thương hiệu phải có chút gì liên quan đến sản phẩm hay ngành hàng mà bạn đang định kinh doanh. Hoặc nó cũng phải gợi liên tưởng đến ngành hàng của bạn. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh các sản phẩm đồ gia dụng bạn có thể nghĩ đến thương hiệu: HappyCook, WifeMate hoặc Coolmom … chứ nếu bạn chọn một tên gì đó chả liên quan như Hupoditus chẳng hạn, bạn sẽ lãng phí một cơ hội tiếp cận khách hàng qua tên thương hiệu.
Có khả năng bảo hộ nhãn hiệu
Điều này quá quan trọng, nó quan trọng đến nỗi bạn sẽ phải hy sinh rất nhiều các phương án tên thương hiệu hấp dẫn và phù hợp để đảm bảo tên được chọn có khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ngày nay, ai cũng ý thức bảo vệ thứ tài sản vô hình này nên bạn phải lựa chọn đặt tên thương hiệu một cách cẩn trọng để tránh tranh chấp sở hữu trí tuệ sau này. Cách tốt nhất là nhờ một chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ kiểm tra xem tên của bạn có khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa hay không trước khi lựa chọn chính thức.
Có khả năng đăng ký tên miền
Có gì lạ trong tiêu chí này không? Câu trả lời là không bạn ạ. Xây dựng thương hiệu ngày nay đã khác rất nhiều. Bạn không chỉ lo những kênh truyền thông, tiếp thị truyền thống mà truyền thông trực tuyến (qua website và các phương tiện điện tử) cũng là một mặt trận hết sức nóng bỏng. Hãy đảm bảo bạn có thể sở hữu một tên miền trùng với tên thương hiệu. Giả sử với thương hiệu UVA Solution có thể sở hữu cả bộ 3 tên miền uvasolution.com, uvasolution.vn và uvasolution.com.vn.
5. 18 câu hỏi định hướng đặt tên thương hiệu
Cái tên có thể làm nên một thương hiệu mạnh hoặc có thể làm tiêu tan doanh nghiệp bạn. Do vậy mà sở hữu một tên thương hiệu hấp dẫn chính là một tài sản to lớn giúp bạn thực hiện các nỗ lực marketing một cách tự động (chỉ thông qua cái tên!). Cái tên độc đáo giúp bạn khác biệt khỏi những đối thủ cạnh tranh, kết nối với khách hàng tiềm năng một cách đầy cảm xúc. Chính vì những lý do như vậy mà việc đặt tên thương hiệu đúng trở thành thách thức đau đầu của không ít doanh nhân. 18 câu hỏi tôi liệt kê dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời đúng cho việc đặt tên thương hiệu.
Khi bạn bắt đầu đặt tên cho thương hiệu của mình hãy hỏi những câu hỏi sau:
- Khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
- Vấn đề họ gặp phải là gì và bạn giúp khách hàng giải quyết ra sao?
- Danh sách 5 lợi ích lớn nhất mà bạn dành cho khách hàng?
- Tên 5 đối thủ cạnh tranh của bạn?
- Danh sách 3-5 điểm khác biệt của bạn so với đối thủ cạnh tranh?
- 5 tính từ mô tả thương hiệu của bạn?
Sau khi đã trả lời xong những câu hỏi trên, tôi chắc rằng bạn đã sẵn sàng để brainstorm (sáng tạo theo phương pháp động não) ra một một danh sách các phương án tên thương hiệu. Danh sách ưa thích của Sao Kim Branding thường là 10 phương án. Còn bạn có thể chọn một danh sách 4-5 phương án tên cũng được.
Bây giờ bạn cần “thử lửa” các phương án đặt tên thương hiệu của mình bằng cách dùng những câu hỏi dưới đây:
- Tên được đề xuất phát âm có dễ dàng không?
- Mọi người có thể đọc nó nhanh về dễ dàng không?
- Khi bạn nói mọi người có thể hiểu ngay mà không cần đánh vần?
- Tên đề xuất có phát âm giống như viết không?
- Tên có dài quá không? (chuyên gia khuyên rằng chỉ nên có ít hơn 11 ký tự và 3 âm tiết)
- Nó có chứa ý nghĩa tiêu cực nào không?
- Nó có độc đáo và khơi gợi cảm xúc không?
- Nó có khuấy động sự quan tâm hay không?
- Có câu chuyện hấp dẫn nào đằng sau nó?
- Nó có nói lên bạn là ai không?
- Nó có truyền tải được thông điệp mục tiêu của thương hiệu không?
- Bạn đã hỏi ý kiến nhân viên chưa? Họ có tự hào khi nhắc tới thương hiệu bạn đề xuất không?
Đến đây bạn đã có câu trả lời cho phương án tên đề xuất của mình. Hãy lựa chọn phương án đặt tên thương hiệu tốt nhất trong list trên. Tuy nhiên, tên được lựa chọn cần phải thỏa mãn từ 6-7 điểm khi được kiểm tra bằng các câu hỏi trên. Đừng cố lựa chọn một tên thương hiệu chỉ vì bạn đã nghĩ hết cách. Nên nhớ rằng, không thể xây dựng một lâu đài thương hiệu đồ sộ trên một nền móng thiếu vững vàng.
Xem thêm: 7 tiêu chí đặt tên thương hiệu thành công
Những sai lầm đốt cháy bạc tỷ khi đặt tên thương hiệu
6 lỗi cơ bản doanh nghiệp thường gặp khi đặt tên doanh nghiệp
6. Quy trình 5 bước đặt tên thương hiệu
Những thương hiệu lớn trên thế giới thường sở hữu những cái tên hay và thân thuộc lạ kỳ. Điều đó có thể khiến bạn nghĩ rằng việc tạo ra những cái tên đó như một phép màu hoặc một sự sắp đặt ngẫu nhiên trùng hợp. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình sáng tạo thương hiệu sẽ chỉ cho chúng ta thấy rằng một thương hiệu mạnh có thể được tạo ra từ một quy trình đặt tên chặt chẽ, khoa học.
Quy trình đặt tên thương hiệu đảm bảo tên thương hiệu được tạo ra không những đáp ứng tiêu chí hấp dẫn mà còn phù hợp với chiến lược khác biệt hóa, định vị thương hiệu và các mục tiêu khác.
Tại UVA Solution chúng tôi thực hiện quy trình này qua 5 bước chính. Mỗi bước này có thể bao gồm nhiều các công việc khác nhau mà mức độ phức tạp phụ thuộc vào từng dự án cụ thể. Chúng tôi luôn có sự điều chỉnh bản kế hoạch đặt tên thương hiệu trước mỗi dự án khác nhau để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu một cách tốt nhất.
Bước 1: Phân tích cạnh tranh
Một trong những chức năng quan trọng nhất của tên là để phân biệt giữa thương hiệu này với thương hiệu khác, công ty này với công ty kia. Và để làm được điều đó, tên thương hiệu cần phải khác biệt hoàn toàn với các đối thủ cạnh tranh.
Chúng tôi bắt đầu bằng cách nghiên cứu ngành mà bạn tham gia: Đặc trưng chính của ngành là gì? Lợi thế cạnh tranh của bạn và các đối thủ? Cách đặt tên và các loại tên được sử dụng trong ngành? Đối thủ của bạn có đặt tên mang tính mô tả không? Họ sử dụng tiếng Việt hay tiếng Anh? Thông điệp được truyền tải trong tên thương hiệu của các đối thủ của bạn là gì? Cách mà các đối thủ của bạn mô tả thương hiệu và tầm nhìn của họ ra sao ?
Tất cả các nghiên cứu và phân tích này làm nổi bật nên bối cảnh thực tế của ngành mà thương hiệu mới của bạn đang thâm nhập, những thách thức mà nó cần đáp ứng để trở nên khác biệt và nổi bật.
Bước 2: Định hướng sáng tạo
Ở bước này chúng tôi thực hiện “văn bản hóa” những thông tin có được từ quá trình thu thập dữ liệu từ khách hàng và quá trình phân tích cạnh tranh để tóm tắt thành bản định hướng sáng tạo. Bản định hướng này có tính chất hướng dẫn toàn bộ nhóm thực hiện dự án hiểu được một cách kỹ lưỡng về bối cảnh, sản phẩm – dịch vụ, định vị thương hiệu, các giới hạn sáng tạo … một cách xuyên suốt trong toàn bộ quá trình đặt tên thương hiệu.
Bước 3: Sáng tác tên thương hiệu
Động não (Brain Storming): trong bước này, nhóm thực hiện dự án đã nghiên cứu kỹ và thấu hiểu đề bài. Nhiệm vụ của họ là tìm ra những phương án đặt tên thương hiệu mới. Yêu cầu của bước này là người tham gia phải được tự do hoàn toàn để đưa ra phương án. Số lượng phương án đưa ra càng nhiều càng tốt. Tối thiểu mỗi người sẽ phải có 10 phương án để tiến tới bước Lọc phương án.
Lọc phương án (Short-list): Sau khi thực hiện xong bước Brain Storming, nhóm thực hiện dự án sẽ tập hợp thành một Master List bao gồm tất cả các phương án đã nghĩ ra được. Nhóm sẽ họp để lọc ra những phương án tốt nhất dựa trên sự phù hợp với định hướng sáng tạo ban đầu. Sau bước này, chúng tôi có một Short-list khoảng 10 phương án tên.
Bước 4: Kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu / Đăng ký doanh nghiệp
Phương án đặt tên thương hiệu cần phải được kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu một cách kỹ lưỡng để tránh những tranh chấp đáng tiếc sau này.
Các phương án tên trong danh sách Shortlist được kiểm tra khả năng đăng ký tên doanh nghiệp (trong trường hợp là tên công ty) hoặc khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Ở bước này cần có sự làm việc chặt chẽ của Luật sư. Chúng tôi thực hiện tra cứu trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như kiểm tra trực tiếp thông qua các mối quan hệ nghề nghiệp để biết chắc bạn có thể đăng ký tên thương hiệu này với khả năng thành công cao nhất.
Sau bước kiểm tra này, danh sách đặt tên thương hiệu được rút gọn còn 4-5 phương án tối ưu.
Bước 5: Kiểm tra khả năng ứng dụng trong thực tế
Tên thương hiệu cần được kiểm tra khả năng ứng dụng trong thực tế như logo, ấn phẩm, bao bì nhãn mác, website …
Ở bước này, tên thương hiệu được minh họa bằng mẫu thiết kế logo hay đính kèm slogan / tagline. Để đảm bảo tên thương hiệu thật sự khác biệt, họa sỹ thiết kế của chúng tôi sẽ đặt tên thương hiệu vào các bối cảnh khác nhau: trong văn bản, trong bao bì nhãn mác, trong ấn phẩm, trên website, trong một quảng cáo tài trợ mà tên thương hiệu của bạn sẽ nằm cùng với các thương hiệu cạnh tranh khác …
Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, Copywriter sẽ lập tài liệu thuyết trình cho từng phương án tên, gợi ý câu chuyện thương hiệu và đưa ra chỉ dẫn cho các trường hợp ứng dụng.
Không có một cách đơn giản nào để có một thương hiệu hấp dẫn. Một quy trình đặt tên như trên không đặt cược việc xây dựng thương hiệu của bạn vào may rủi mà nó đảm bảo cho luôn lựa chọn được một tên thương hiệu hấp dẫn nhưng vẫn phù hợp với định vị thương hiệu và tạo nền móng vững chắc đầu tiên cho việc truyền thông thương hiệu sau này.
7. 10 kiểu đặt tên thương hiệu thường gặp
1. Kiểu viết tắt các chữ cái đầu tiên
Ví dụ: BMW (Bavarian Motor Works), GM (Genaral Motors), IBM (Internation Business Machine), UPS (United Parcel Service), ICP (Internation Consumer Products), TOEFL (Test Of English as Foreign Langue), KFC (Kentucky Fried Chicken) , ACB (Asia Comercial Bank) …
Ưu điểm:
– Giúp tên gọi ngắn gọn, dễ nhớ hơn so với tên viết đầy đủ
Nhược điểm:
– Tên chung chung, không có sự khác biệt
– Tuy tên ngắn nhưng vẫn có nhiều âm tiết (ví dụ IBM chỉ có 3 ký tự nhưng tới 3 âm tiết)
– Dễ bị trùng lặp, khó có khả năng bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký tên miền
– Loại tên này chỉ hiệu quả khi đặt tên cho công ty với một chiến lược đặt tên cho sản phẩm phù hợp.
2. Kiểu đặt tên mô tả / chức năng
Ví dụ: Toys Are Us, Computer Solution, Thế giới di động, Siêu thị Mẹ Bé, Thời trang Made in Vietnam, Nam Dược, Vinamit …
Ưu điểm:
– Giúp mô tả lĩnh vực hoạt động của công ty một cách nhanh chóng
– Tên có tác dụng khi đóng vai trò là tên thương hiệu mở rộng (Ví dụ: Windows Home Edition, Samsung Smart TV…)
Nhược điểm:
– Nếu là tên công ty sẽ bất lợi vì không có sự khác biệt
– Dễ bị trùng lặp, khó có khả năng bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký tên miền
3. Kiểu đặt tên kiểu ghép từ (Copycat)
Ví dụ: Fedex (Federal Express), Microsoft (Micro Software), Vinaconex (Vietnam Constrution & import Export ), TechComBank (Technology Commerce Bank), Vietcombank (Vietnam Commerce Bank) …
Ưu điểm:
– Tên gọi ngắn gọn, dễ nhớ hơn
– Sử dụng hiệu quả trong một số lĩnh vực ví dụ: ngân hàng, dịch vụ công …
Nhược điểm:
– Dễ bị trùng lặp với các tên thương hiệu khác trong cùng ngành
– Thường dễ rơi vào trạng thái mô tả lĩnh vực kinh doanh chứ ít tạo ra sự khác biệt
– Không phù hợp khi kinh doanh đa ngành nghề
4. Kiểu đặt tên thương hiệu gợi liên tưởng tới kinh nghiệm, cảm xúc
Ví dụ: Microsoft Explorer, Microsoft Windows, Hotmail, Safari, Ford Escape, Six sense spa, Amora Café, Lavie, Joy, Good Day …
Ưu điểm:
– Giúp tạo liên kết giữa kinh nghiệm, cảm xúc của khách hàng với thương hiệu nhanh chóng
– Có thể sử dụng để đặt tên cho công ty cũng như đặt tên cho sản phẩm
Nhược điểm:
– Tên theo kinh nghiệm được sử dụng phù hợp cho nhiều ngành nghề nên không mang tính đặc thù của sản phẩm
– Có nhiều tên mô tả cùng một kinh nghiệm có thể được sử dụng trong cùng ngành hàng (ví dụ: Explorer, Safari, Navigator, Magenllan đều nói nên một ý là khám phá nhưng lại được dùng cho các trình duyệt web khác nhau).
5. Kiểu đặt tên thương hiệu mới hoàn toàn
Ví dụ: Google, Intel, Pentium, Xerox, Mozilla, Alexa, Bing …
Ưu điểm:
– Khác biệt hoàn toàn với tất cả đối thủ cạnh tranh
– Dễ dàng bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tên miền
Nhược điểm:
– Những tên này thường rất khó tìm thấy
– Tên có thể khó đọc, khó nhớ do là từ mới
– Đôi khi, việc khác biệt hoàn toàn khiến bạn phải đầu tư nhiều hơn cho truyền thông
6. Đặt tên thương hiệu theo vần điệu
Ví dụ:Oreo, BlackBerry,Hảo Hảo, Google, Kleenex, Twitter, Bebo, …
Ưu điểm:
– Dễ đọc, dễ nhớ
– Gợi lên cảm xúc (vui vẻ) khi đọc
– Dễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký tên miền
– Dễ gán cho tên thương hiệu một ý nghĩa bất kỳ vì thông thường những từ vần điệu được tạo ra không liên tưởng đến từ nào trong từ điển.
Nhược điểm:
– Khó đặt được tên hay theo cách này
– Vì tên là một từ vô nghĩa, không có liên quan gì đến sản phẩm nên rất khó thuyết phục Sếp hoặc công ty chấp nhận
7. Đặt tên thương hiệu gợi tả
Ví dụ: Apple, Blackberry, Yahoo, Virgin
Ưu điểm:
– Tên có sự khác biệt hoàn toàn
– Gợi lên cảm xúc
Nhược điểm:
– Khó đặt được tên theo cách này
– Vì tên là một từ vô nghĩa, không có liên quan gì đến sản phẩm nên rất khó thuyết phục Sếp hoặc công ty chấp nhận
8. Đặt tên thương hiệu theo tên cá nhân
Ví dụ: Dell, HP, Triump, …
Ưu điểm:
– Gắn với hình ảnh người đại diện doanh nghiệp (trong trường hợp đó là một người xuất chúng, thương hiệu sẽ được nhờ vào danh tiếng đó)
– Thích hợp cho các công ty tư vấn, luật, phòng khám …
Nhược điểm:
– Gợi lên cảm giác “công ty gia đình”
– Tên người thường rất dễ bị trùng lặp và không gợi lên ý nghĩa nào cho chúng ta
9. Đặt tên thương hiệu theo ngôn ngữ nước ngoài
(không phải tiếng Anh)
Ví dụ: Kodax, Akamoto, Heineken, Pitterburg, Nagakawa, Chinsu …
Ưu điểm:
– Gợi liên tưởng đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm ( ví dụ Nagakawa gợi đến Nhật Bản, Chinsu gợi đến Hàn Quốc)
– Khả năng đăng ký nhãn hiệu cao
Nhược điểm:
– Tên nước ngoài thường lạ và khó đọc
– Hầu hết người tiêu dùng thường không hiểu rõ ý nghĩa trong tên của bạn
10. Đặt tên thương hiệu theo xu hướng hiện đại
Xu hướng web 2.0: Facebook, Twitter, Flickr, Friendster, Napper, Technorati, Skype, Wiki ….
Ưu điểm: Mới lạ, độc đáo
Nhược điểm: khá khó đọc, thường ít gợi liên tưởng đến lĩnh vực kinh doanh
8. Các công cụ hỗ trợ đặt tên thương hiệu
Dân gian có câu “trăm hay không bằng tay quen”, và chúng ta có thể hiểu “tay quen” ở đây là những kỹ năng cũng như công cụ được sử dụng trong quá trình làm việc chuyên nghiệp. Đối với việc đặt tên thương hiệu, sử dụng các công cụ hỗ trợ cũng đặc biệt quan trọng. Trong phần này tôi sẽ bật mí cho bạn biết bộ “đồ nghề” của một chuyên gia đặt tên thương hiệu gồm những gì.
1. Từ điển đặt tên thương hiệu
Bí quyết của việc đặt tên thương hiệu phần lớn nằm ở việc bạn sử dụng cuốn từ điển như thế nào. Riêng tôi, khi thực hiện công việc đặt tên thương hiệu tôi luôn trang bị cho mình tất cả các loại từ điển mình cần: từ điển Anh – Việt, Việt – Anh, Anh – Anh, Hán – Việt, Từ điển tiếng Việt, từ điển các loại hoa, từ điển các loài chim …
Cách sử dụng từ điển cũng rất quan trọng. Khi bạn muốn chắc chắn một từ nào đó, hãy giở từ điển để tra cứu xem nó có những nghĩa nào, có trường hợp nào từ đó có ý nghĩa tiêu cực không? nó có phát âm dễ dàng không? Khi phát âm có giống với từ nào không? …
Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong việc tìm ý tưởng thì việc đọc từ điển lại trở thành một cách hữu hiệu để kích hoạt tư duy. Tôi thường chọn những quyển từ điển có hình vẽ minh họa sinh động như từ điển các loài hoa, từ điểm các loài chim … để gợi nguồn cảm hứng cho mình.
2. Các công cụ đặt tên thương hiệu online
Có rất nhiều công cụ online dành cho việc đặt tên thương hiệu. Có những công cụ được thiết kế dành riêng cho việc đặt tên, các công cụ khác có thể là những hỗ trợ để tìm ý tưởng. Tuy nhiên, tôi sẽ chỉ cho bạn 5 công cụ chính như liệt kê dưới đây:
- www.wordlab.com
- www.rhymer.com/naming.html
- www.lingzini.com
- www.wordoid.com
- www.bustaname.com
3. Công cụ kiểm tra tên miền
Hầu hết mọi công việc kinh doanh hiện nay đều cần xuất hiện trên internet. Vì thế, xây dựng một thương hiệu mới đòi hỏi bạn phải có một “mặt tiền” tương xứng cho nó trên internet – đó chính là tên miền thương hiệu.
Tùy theo mức độ ảnh hưởng của internet đến công việc kinh doanh của bạn mà bạn có thể ưu tiên khả năng đăng ký được tên miền cao đến đâu trong quá trình lựa chọn thương hiệu. Theo tôi, tên miền luôn nằm trong top 3 tiêu chí hàng đầu để lựa chọn một thương hiệu mới.
Nếu bạn là một công ty, bạn có nghĩ đến bộ 3 tên miền gồm tencongty.com ; tencongty.vn ; tencongty.com.vn . Và nếu chúng còn tất cả thì xin chúc mừng bạn. Bạn đã có những thứ mà mình cần.
Nếu bạn không có khả năng đăng ký tên miền tencongty.com, bạn có lựa chọn thứ 2 với tên miền tiếng Việt (.vn, com.vn…). Nếu những tên miền tiếng Việt cũng không còn, bạn có thể lựa chọn một tên miền mô tả lĩnh vực kinh doanh của mình ví dụ UVAbranding.com ; UVAad.com … (trong trường hợp này chúng tôi may mắn khi sở hữu tất cả các tên miền quốc gia mà mình cần gồm uva.vn …).
– Để kiểm tra khả năng đăng ký tên miền tiếng Việt bạn có thể truy cập website www.tenmien.vn
– Để kiểm tra tên miền Quốc tế, bạn có thể truy cập tại www.godaddy.com hoặc tìm kiếm trên google với từ khóa “domain register”.
4. Công cụ tra cứu tên doanh nghiệp
Khác với trước đây tên doanh nghiệp chỉ cần phân biệt trong phạm vi tỉnh thành. Ngày nay, luật quy định các doanh nghiệp trên toàn quốc phải đăng ký kinh doanh với tên khác nhau. Điều này khiến cho việc lựa chọn tên doanh nghiệp mới khó hơn bao giờ hết. Các sở kế hoạch đầu tư luôn yêu cầu chủ doanh nghiệp phải chuẩn bị không dưới 10 phương án tên để đăng ký doanh nghiệp mới phòng trường hợp bị trùng tên.
Để giải quyết bài toán trùng tên, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn một công cụ hữu ích. Đó là website http://hieudinh.dangkykinhdoanh.gov.vn/tabid/63/default.aspx . Bạn có thể truy cập website này để tra cứu tên doanh nghiệp mình định đăng ký kinh doanh trước khi nộp đơn đăng ký cấp giấy phép kinh doanh lên sở kế hoạch đầu tư.
5. Công cụ tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Để kiểm tra khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đối với phương án tên mà bạn đã lựa chọn, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia tư vấn về nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, bạn cũng có thể kiểm tra sơ bộ trước bằng một tiện ích mà Cục SHTT cung cấp trên website của họ.
Để kiểm tra tên bạn định đăng ký truy cập website www.noip.gov.vn của Cục SHTT Việt Nam và tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu xem tên bạn định chọn có bị trùng lặp không.
Vì cơ sở dữ liệu này không được cập nhật thường xuyên lắm, nên kết quả mà bạn tìm kiếm được cũng chỉ phản ánh phần nào khả năng đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu mới thôi. Bạn chỉ nên xác định khả năng đăng ký bảo hộ cao nhất là 70% thông qua công cụ này.
6. Luật sở hữu trí tuệ
Trong một vài lĩnh vực kinh doanh, việc cạnh tranh để sở hữu các thương hiệu hấp dẫn trở thành một trận chiến. Và nếu như bạn không muốn trận chiến này gây tổn thất nặng nề cho mình thì hãy phòng bị từ trước. Xem xét để hiểu những khía cạnh khác nhau của luật sở hữu trí tuệ vừa giúp bạn tránh khỏi những rắc rối pháp lý khi triển khai một thương hiệu mới cũng vừa giúp bạn biết được những quyền lợi của mình khi bị đối thủ xâm hại quyền sở hữu nhãn hiệu hợp pháp.
7. Google
Và cuối cùng một công cụ khác mà chúng ta vẫn luôn luôn sử dụng nhưng không chắc đã sử dụng đúng vào lúc này. Đó chính là công cụ tìm kiếm Google. Hãy để nó giúp bạn trong mọi thời điểm cần tìm kiếm thông tin. Đây là những gì tối thiểu bạn có thể làm với google:
– Tìm kiếm thông tin về ngành hàng
– Tìm kiếm và liệt kê tên các đối thủ cạnh tranh
– Tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho quá trình đặt tên thương hiệu
– Tìm kiếm các thương hiệu của thế giới hoạt động trong lĩnh vực của bạn
– Kiểm tra xem tên bạn đưa ra đã được sử dụng trên internet hay chưa
– Và tất nhiên còn nhiều việc nữa mà bạn có thể tự đưa thêm vào danh sách này.
Xem thêm: Doanh nghiệp bạn có cần tư vấn thương hiệu?
9. Các dự án đặt tên thương hiệu UVA Solution đã thực hiện
UVA Solution xin giới thiệu các án sáng tác tên thương hiệu mà chúng tôi đã thực hiện. Những kinh nghiệm thực tế từ những dự án này có thể giúp bạn hình dung rõ nét hơn về việc quá trình đặt tên thương hiệu và vai trò của việc đặt tên ra sao trong việc giải quyết các thách thức mà thương hiệu phải đương đầu.
Chi tiết
Chìa khóa giải quyết vấn đề đặt tên thương hiệu
Như vậy, trong toàn bộ bài viết này, Sao Kim hy vọng bạn nắm được nhiều thông tin hữu ích nhất có thể. Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể hiểu và lên kế hoạch triển khai các phương án đặt tên thương hiệu thật chuyên nghiệp và có sự nổi bật mạnh mẽ so với đối thủ.
Và chúng tôi ở đây để giúp bạn tìm ra chiếc chìa khóa vàng cho những giải pháp xây dựng và nâng tầm thương hiệu.Với hàng trăm dự án đặt tên thương hiệu cho các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng kinh nghiệm hơn 12 năm xây dựng và phát triển thương hiệu cùng hơn 5000 khách hàng trong mọi lĩnh vực, Sao Kim thấu hiểu sâu sắc nhu cầu của doanh nghiệp, cách thức giúp doanh nghiệp có được vị thế trên thị trường và khiến tên thương hiệu luôn được khách hàng nhớ tới.
Dịch vụ tư vấn đặt tên thương hiệu của UVA Branding
Doanh nghiệp của bạn sẽ nhận được:
- Sở hữu tên thương hiệu hay, độc đáo: Bạn sẽ sở hữu được tên thương hiệu hay, ý nghĩa và khác biệt với khả năng bảo hộ 100%.
- Bản thuyết minh ý nghĩa tên thương hiệu: UVA sẽ phân tích và lý giải ý nghĩa của tên thương hiệu, lý do lựa chọn tên thương hiệu đó cho bạn.
- Không giới hạn hiệu chỉnh phương án: Sẽ có 5 phương án được đề xuất trong mỗi lần gửi và không giới hạn số lần hiệu chỉnh cho đến khi bạn lựa chọn được tên ưng ý nhất.
- Đảm bảo đăng ký nhãn hiệu hàng hóa: Tên thương hiệu của bạn sẽ được đảm bảo về khả năng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để bạn yên tâm đầu tư xây dựng thương hiệu bền vững, lâu dài.
Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ đặt tên thương hiệu chuyên nghiệp.